Giàn khoan

Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi xây dựng Luật Dầu khí

Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi xây dựng Luật Dầu khí

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam.


Chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn: Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

Theo Bộ Công Thương, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn Luật, hoặc quy định chưa phù hợp, hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Do vậy, hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí khâu thượng nguồn cũng như công tác quản lý nhà nước đã gặp phải không ít vướng mắc, lúng túng.

Vì lý do trên, Bộ Công Thương cho rằng: Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

Các vấn đề, nguyên tắc chính trong việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi)

Theo Bộ Công Thương, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng; khắc phục những bất cập, chồng chéo với các quy định pháp luật có liên quan; bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Điều chỉnh, bổ sung các quy định về Hợp đồng dầu khí theo hướng thời hạn hợp đồng cần linh hoạt hơn, có chính sách ưu tiên gia hạn cho Người điều hành hiện tại; cho phép giữ lại phát hiện nhỏ không có giá trị phát triển ở hiện tại, tuy nhiên có thể có tiềm năng ở những kế hoạch khác (hợp tác phát triển chung, công nghệ mới…).

Thứ hai: Bổ sung các quy định để mở rộng phạm vi đầu tư của dự án dầu khí thượng nguồn cho cả một số hạng mục trên bờ (trước đây thuộc dự án trung nguồn và hạ nguồn) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư vào chuỗi giá trị khí của ngành dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Thứ ba: Bổ sung khung pháp lý phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi Nhà thầu hoạt động khai thác chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại (khoảng từ 3 đến 5 năm) hoặc tiếp tục đầu tư tận thăm dò, gia tăng sản lượng khai thác.

Thứ tư: Bổ sung quy định về dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư dầu khí cùng các định hướng về các chính sách thuế phù hợp (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…).

Thứ năm: Bổ sung quy định cụ thể về quy trình về thủ tục đầu tư dự án dầu khí thượng nguồn, bảo đảm đồng bộ với pháp luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước. Cụ thể:

1/ Đối với các Nhà thầu nước ngoài: Làm rõ các trình tự, thủ tục đầu tư đối với các bước trong hoạt động dầu khí; có các quy định cụ thể hơn về việc ưu tiên áp dụng pháp luật dầu khí (Luật chuyên ngành) trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án dầu khí.

2/ Đối với các doanh nghiệp nhà nước (PVN, PVEP…): Xác định hình thức đầu tư các dự án dầu khí trong nước (là đầu tư dự án thông thường hay đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để có cơ chế xử lý rõ ràng). Cùng với đó là bổ sung quy định về thủ tục, quy trình nhượng bán, quyền lợi tham gia của PVN/PVEP phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí…/.

backtotop
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn