Trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (03/9/1975-03/9/2020), ngày 10/9/2020, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn để nghe báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như giải quyết đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Tham dự đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân và các Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đại diện một số bộ, ngành Trung ương cùng tham dự buổi làm việc.
Về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn, đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực, Thành viên HĐTV và các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng uỷ, HĐTV, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban và một số đơn vị thuộc Tập đoàn.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, theo đó, giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Liên tiếp các cuộc “khủng hoảng” giá dầu vào cuối năm 2015 kéo dài đến đầu năm 2018, và đặc biệt là cuộc “khủng hoảng kép” từ đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Tập đoàn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn, Petrovietnam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.
Tổng giám đốc Petrovietnam báo cáo tình hình SXKD của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
8 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu sản xuất đều đạt kế hoạch đề ra (khai thác dầu thô, khai thác khí, sản xuất phân đạm,…) riêng các chỉ tiêu về sản xuất điện và xăng dầu gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường thấp.
Nhờ giữ vững nhịp độ sản xuất, tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong 8 tháng đạt 372,02 nghìn tỷ VNĐ (≈50% kế hoạch năm); tổng nộp ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt 45,0 nghìn tỷ VNĐ (≈ 55% kế hoạch năm). Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh giá dầu trung bình xuất bán 8 tháng của Petrovietnam là 44,2 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch và cùng kỳ năm. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn có lãi, đảm bảo dòng tiền không bị gián đoạn. Các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, không có đơn vị nào bị gián đoạn dòng tiền. Dòng tiền hoạt động tại các đơn vị thành viên và Tập đoàn đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh giữ được nhịp độ phát triển. Công tác quản trị, tiết giảm chi phí được Petrovietnam thực hiện nghiêm túc, 8 tháng đầu năm đã thực hiện tiết giảm 6.523 tỷ đồng, đạt 70,1% với kế hoạch đề ra (mục tiêu cả năm 2020 là 9.307 tỷ đồng).
Theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, để đạt được những kết quả như trên, ngay khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, Tập đoàn đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Gói giải pháp ứng phó với tác động kép. Gói giải pháp gồm 05 nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về quản trị; (2) Nhóm giải pháp về tài chính; (3) Nhóm giải pháp về đầu tư; (4) Nhóm giải pháp về thị trường; (5) Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, chi tiết cho 05 lĩnh vực hoạt động và trọng tâm cho 03 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Tập đoàn.
Công tác quản trị và tái cấu trúc được quyết liệt thực hiện từ năm 2018 đến nay và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số lượng Ban/Văn phòng đầu mối giảm từ 33 xuống còn 18; số lượng Phòng giảm từ 73 xuống còn 51 phòng, góp phần rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, Petrovietnam cũng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát hệ thống văn bản, quy chế quản lý nội bộ, Ban hành mới bộ quy chế quản trị nội bộ Tập đoàn và đã thực hiện số hóa, rà soát và nâng cao công tác quản trị rủi ro… Với những nỗ lực như vậy, Petrovietnam đã được tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm BB+.
Công tác cổ phần hoá, tái cơ cấu của Petrovietnam với nhiều kết quả ấn tượng. Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị trong danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 bao gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa Dầu Bình Sơn (BSR). Các đơn vị đã hoàn thành đăng ký giao dịch cổ phiếu của các đơn vị trên sàn giao dịch Upcom/HSX. Kết quả số tiền đã thu về là 16.442 tỷ đồng trong đó thặng dư nộp vào ngân sách Nhà nước là 7.346 tỷ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ ra một loạt những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang phải đối diện; đó là các vấn đề: Điều lệ không còn phù hợp và Quy chế tài chính chưa được ban hành, Luật Dầu khí chậm được sửa đổi và các khó khăn thị trường, dịch bệnh; về nguồn lực, cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người; về hoạt động đầu tư… cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án của Tập đoàn.
Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo các Bộ, ngành đã phát biểu đánh giá cao các kết quả, đóng góp của Petrovietnam trong những năm qua là rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cân đối ngân sách… Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Petrovietnam, là hình ảnh, biểu tượng của đất nước, lãnh đạo các Bộ, ngành đều khẳng định sẽ vào cuộc, đôn đốc xem xét, xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chúc mừng nhân Ngày thành lập Tập đoàn và gửi lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, nơi tập hợp trí thức, tinh hoa trong lĩnh vưc dầu khí của cả nước, đồng thời ghi nhận: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài ngước, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong suốt hơn 30 năm đổi mới đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Petrovietnam đã trở thành một Tập đoàn dầu khí lớn mạnh trong nước và khu vực với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trọng, sở hữu khối tài sản nhà nước gần 40 tỷ USD và gần 6 vạn người lao động, trong đó có nhiều chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu quốc tế, vươn lên làm chủ thay thế được các chuyên gia nước ngoài từ công tác kỹ thuật công nghệ đến công tác quản lý.
“Ngành Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô cả chiều rộng và chiều sâu, đã hình thành được ngành Dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong 8 tháng đầu năm, trong khi các tập đoàn dầu khí hàng đầu trên thế giới thua lỗ, Petrovietnam vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh, vượt 5,3% kế hoạch 8 tháng về khai thác dầu, khí, Tập đoàn đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 44 nghìn tỷ đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu rõ những khó khăn, thách thức, cả khách quan và chủ quan trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt sản xuất kinh doanh của Petrovietnam cũng như nền kinh tế. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cần có sự đóng góp rất lớn của các Tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của Petrovietnam.
Để thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị Petrovietnam trong thời gian tới tập trung thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2015, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn, tập trung và lĩnh vực, ngành nghề chính; xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tâm huyết cho những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Petrovietnam.
Về những đề xuất, kiến nghị của Petrovietnam, trên tinh thần “lắng nghe, chia sẻ, đánh giá đúng những khó khăn khách quan, chủ quan để tháo gỡ có hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tài chính cho Petrovietnam; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết để sửa Luật thuế 71/2014/QH13…
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Thành viên Hội đồng Thành viên đã cảm ơn chân thành trước sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực đối với hoạt động Tập đoàn trong suốt thời gian qua. Khẳng định tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn luôn nỗ lực, quyết tâm cao để thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ tập trung triển khai hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bám sát các diễn biến của thị trường để đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt kết quả cao nhất để cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo.